Trong dịp kỷ niệm ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam cô xin giới thiệu tới các em cuốn sách rất đặc biệt. Đây là còn gọi là tập sách ảnh “Ký ức thời oanh liệt” – một tập sách ảnh hoành tráng (khổ 24,5 x 25,5 cm) do nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh cùng với Báo cựu chiến binh Việt Nam xuất bản năm 2003Đây không chỉ là một tập sách nghệ thuật độc đáo mà tập sách còn là một bản anh hùng ca về cuộc chiến đấu ngoan cường suốt 30 năm của một đất nước nhỏ bé, lạc hậu nhưng lại đánh thắng hai cường quốc quân sự là Pháp và Mỹ.
236 bức ảnh của 20 tác giả (Vũ Ba, Văn Bảo, Nguyễn Đức Chính, Đinh Đăng Định, Võ An Khánh, Mai Nam, Dương Thanh Phong, Châu Ngọc Tiếp, Đoàn Công Tính, Nguyễn Đình Ưu, Vũ Năng An, Huy Dư, Triệu Đại, Vũ Đình Đệ, Quang Hạnh, Kiên Hùng, Trần Ngọc, Bùi Duy Ly, Phan Thoan, Phạm Tranh) là: “Một tập sách nghệ thuật độc đáo: Lịch sử 30 năm chiến tranh nhân dân Việt Nam bằng ẢNH” (thủ bút của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi đầu cuốn sách), lịch sử đó bắt đầu từ thời tiền khởi nghĩa (ngày 22/12/1944 thành lập Đội tuyên truyền Giải phóng quân tại Cao Bằng) cho đến sáng ngày 1/5/1975: giải phóng thị xã Cà Mau, dải đất liền cuối cùng của Tổ quốc. Trong đó có nhiều bức ảnh lần đầu tiên được công bố cũng như có nhiều bức ảnh đã nhận được các giải thưởng quốc tế và trong nước: O du kích nhỏ (của Phan Thoan – HCV đại hội Liên hoan Thanh niên và sinh viên thế giới lần XI tại Sophia – Bungary 1968), Trận Nhà Đỏ – Bông Trang (giải danh dự Moskva 1966) và Xuất kích diệt địch trên vành đai Trại Bí (giải đặc biệt Tổ chức Nhà báo quốc tế OIJ 1970) của Nguyễn Đức Chính, Phúc Tân kêu gọi trả thù (Vũ Ba, giải thưởng lớn tại Liên Xô 1966), Xung phong (Huy Dư, huy chương đồng Liên Xô 1968)… rồi những: Từ thần sấm xuống xe trâu, Duyên dáng, Nghịch cảnh, Sau buổi đến trường (Văn Bảo), Vào lửa (Vũ Ba), Khiêng nhà về làng cũ, Xung phong (Dương Thanh Phong), Chiếm căn cứ Đầu Mầu, Trên đường hành quân, Trên đồi không tên, Tiến bước dưới quân kỳ (Đoàn Công Tính), Nữ dân quân, Bộ đội về làng (Nguyễn Đình Ưu)… Tập ảnh bao quát được sự đồng lòng quyết chiến bảo vệ tổ quốc của đồng bào cả nước: từ Đoàn dân công Cao – Bắc – Lạng phục vụ chiến dịch Biên giới (1950), Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên ăn mừng chiến thắng (1953) đến Đội nữ pháo binh Cà Mau trong những ngày chuẩn bị giải phóng (14/4/1975). Từ bức ảnh lịch sử này: Chiến sĩ ta cắm cờ trên nóc hầm tướng De Castrie (Triệu Đại chụp tại Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954) đến bức ảnh lịch sử khác: Xe tăng ta chiếm giữ Dinh Độc Lập (Văn Bảo chụp ngày 30/4/1975).
Cô xin trân trọng giới thiệu “Ký ức thời oanh liệt” – một công trình có giá trị lịch sử, một kho tàng tư liệu quý giá đến các em để cùng xem, cùng hiểu và cùng tự hào.